Tổng quan về hệ thống đường ống
Hệ thống đường ống là một phần quan trọng trong các hệ thống, ứng dụng công nghiệp và một số ứng dụng khác. Tại các ứng dụng này, chúng thực hiện chức năng chính là để dự trữ, vận chuyển các loại chất ở vị trí khác nhau trong hệ thống. Một hệ thống đường ống không chỉ bao gồm đường ống, chúng bao gồm nhiều thiết bị khác như các van, phụ kiện và đồng hồ đo lưu lượng… Vậy hệ thống đường ống là gì? Cùng tìm hiểu tổng quan, các thành phần, thông số quan trọng và cách ứng dụng, lắp đặt trong bài viết dưới đây.
Hệ thống đường ống là gì?
Hệ thống đường ống là một mạng lưới bao gồm có các ống, van, phụ kiện và một số thiết bị, thành phần khác tạo thành một tổ hợp hoàn chỉnh, thực hiện các nhiệm vụ khác nhau, cho phép vận chuyển, điều tiết các lưu chất giữa các địa điểm trong một hệ thống. Các chất được vận chuyển là các chất có thể chảy, bao gồm các loại chất lỏng, nước, dầu, khí, hơi, hóa chất,…
Là thành phần quan trọng trong xây dựng các hệ thống, chúng đóng vai trò quan trọng trong nhiều ngành công nghiệp khác nhau. Một số ứng dụng tiêu biểu như hệ thống ống nước, cấp nước, thoát nước, xử lý nước, hệ thống HVAC, hệ thống vận chuyển dầu, khí trong công nghiệp dầu khí, công nghiệp hóa chất.
Hãy nhớ rằng, hệ thống đường ống không chỉ bao gồm mình ống, chúng còn bao gồm nhiều thành phần khác như van, phụ kiện… cho phép điều khiển, kiểm soát dòng chảy, thay đổi hướng theo yêu cầu cũng như thiết kế cụ thể của hệ thống.
Các thành phần của hệ thống đường ống
Ống
Ống là thành phần chính và quan trọng nhất của hệ thống đường ống. Ống thiết kế có dạng hình trụ dài rỗng ruột, cho phép lưu chất có thể lưu thông bên trong đường dẫn này. Ống được thiết kế với nhiều kích thước, độ dày và vật liệu khác nhau. Một số loại vật liệu cấu trúc ống được sử dụng phổ biến đó là:
- Thép: Thép là loại vật liệu được sử dụng rất phổ biến trong sản xuất ống, chúng có đặc trưng về độ bền tốt, chịu lực tốt, chịu ứng suất tốt, chịu nhiệt độ cao tốt… đảm bảo khả năng tương thích với các ứng dụng có điều kiện khắc nghiệt. Ống thép cũng là một lựa chọn tối ưu về kinh tế, với giá thành rẻ, chúng giúp tiết kiệm chi phí đầu tư ban đầu.
- Inox: Inox là một loại hợp kim thép còn được gọi là thép không gỉ, vật liệu này mang những lợi thế của thép về khả năng chịu áp lực tốt, chịu nhiệt độ cao tốt, độ bền tốt. Bên cạnh đó, chúng còn cung cấp khả năng chống gỉ sét, chống ăn mòn, kháng hóa chất. Vì vậy, các ống inox thường được lựa chọn sử dụng tại các ứng dụng có đặc trưng vận chuyển các loại chất có tính ăn mòn hoặc điều kiện môi trường xung quanh có tính ăn mòn.
- Nhựa: Nhựa là một vật liệu phi kim loại có đặc trưng về khả năng chống ăn mòn, chống gỉ sét, kháng hóa chất rất tốt, trọng lượng riêng thấp nên các ống nhựa rất nhẹ, dễ dàng vận chuyển, dễ dàng lắp đặt, tính tương thích tốt, phù hợp với nhiều ứng dụng khác nhau.
Việc lựa chọn các vật liệu ống dựa trên nhiều yếu tố khác nhau như loại lưu chất được vận chuyển, nhiệt độ, áp suất và điều kiện môi trường xung quanh. Khi lựa chọn ống cũng cần lưu ý đến kích thước và độ dày ống, được chỉ định theo kích thước ống danh nghĩa (NPS) hoặc đường kính danh nghĩa (NB).
Phụ kiện
Phụ kiện ống là các chi tiết được sử dụng để liên kết, kết nối các đoạn ống thẳng với nhau, thực hiện chức năng thay đổi hướng, chuyển hướng, phân nhánh, chuyển đổi kích thước ống hoặc đơn giản là nối dài ống trong hệ thống đường ống. Có nhiều loại phụ kiện ống, mỗi loại thực hiện các chức năng khác nhau. Một số loại phụ kiện được sử dụng phổ biến đó là:
- Cút: Là phụ kiện được sử dụng để chuyển hướng dòng chảy lưu chất, tạo góc uốn trong đường ống, có thể là góc uốn 90 độ hoặc góc uốn 45 độ. Có hai phương pháp kết nối cút chính là kết nối ren và kết nối hàn, cấu trúc từ một số loại vật liệu là inox, thép, nhựa, đồng…
- Kép: Kép nối được sử dụng để nối thẳng hai đường ống hoặc các thiết bị khác, van khác có kiểu kết nối ren trong.
- Măng sông: Măng sông cũng được sử dụng để nối thẳng hai đường ống hoặc các thiết bị khác, van khác có kiểu kết nối ren ngoài.
- Rắc co: Được sử dụng để nối thẳng hai đường ống hoặc các thiết bị khác, van khác tuy nhiên, chúng có phép tháo rời tiện lợi, dễ dàng với cấu trúc ba phần tách.
- Tê nối, thập nối: Tê nối thực hiện chức năng chuyển hướng, phân nhánh, tạo kết nối 3 đường ống, 4 đường ống ở góc 90 độ.
- Nút bịt, nắp bịt: Nút bịt, nắp bịt được sử dụng tại cuối ống, bịt kín các đầu ống hoặc phụ kiện hở.
- Lơ nối: Lơ nối cho phép nối thẳng hai ống có kết nối ren trong, ren ngoài kích thước khác nhau.
- Côn thu: Côn thu cho phép kết nối các ống có kích thước khác nhau, có kiểu kết nối hàn và nối ren.
Van
Van là một thiết bị rất quan trọng, chúng thực hiện chức năng kiểm soát dòng chảy trong hệ thống đường ống hoặc thực hiện chức năng điều chỉnh và duy trì áp suất, hay điều chỉnh hướng của dòng chảy các chất lỏng, khí. Bao gồm nhiều loại van khác nhau, các van khác nhau sẽ thực hiện các chức năng khác nhau. Một số loại van thông dụng như van cổng, van bi, van bướm, van cầu, van một chiều, van giảm áp, van an toàn, lọc y…
- Van cổng: Van cổng được sử dụng rộng rãi trong kiểm soát dòng chảy, chúng cho phép cách ly dòng chảy chính xác, thiết kế đơn giản, tối ưu. Cấu trúc đĩa nâng hoàn toàn cho phép đường dẫn lưu chất qua van tối đa, hạn chế tổn thất áp suất.
- Van bi: Van bi có cấu trúc một viên bi có lỗ xuyên tâm, điều khiển xoay viên bi để điều vị trí của lỗ rỗng viên bi và điều chỉnh dòng chảy lưu chất qua van. Góc độ mở càng lớn, tiết diện mở càng lớn thì lưu lượng qua van càng lớn.
- Van bướm: Cơ chế hoạt động của van bướm tương tự như van bi, tuy nhiên, chi tiết điều khiển là một đĩa mỏng, cho phép điều khiển cách ly dòng chảy lưu chất chính xác, tuy nhiên, sẽ có sự cản trở áp suất do phần đĩa nằm ở trung tâm đường dẫn dòng chảy. Thiết kế van bướm nhỏ gọn hơn, tối ưu không gian hơn so với các van khác có cùng kích thước.
- Van cầu: Van cầu là một van điều tiết, chúng cho phép điều tiết lưu lượng chính xác, khả năng điều tiết lưu lượng rất tốt, tuy nhiên cũng cần cân nhắc về tính tổn thất áp suất qua van.
- Van một chiều: Van 1 chiều thực hiện chức năng điều hướng dòng chảy của lưu chất, các van này chỉ cho phép dòng chảy lưu chất chảy theo một hướng quy định. Có nhiều loại van 1 chiều bao gồm van 1 chiều lá lật, van 1 chiều cánh bướm, van 1 chiều lò xo… chức năng giống nhau tuy nhiên cơ chế hoạt động khác nhau và tính ứng dụng khác nhau.
- Van giảm áp: Van giảm áp được sử dụng để điều chỉnh và duy trì áp suất của dòng chảy lưu chất trong hệ thống ở một mức quy định được cài đặt trước.
- Van an toàn: Van an toàn thực hiện xả áp suất dư thừa để bảo vệ hệ thống khỏi tình trạng quá áp một cách nhanh chóng và tức thời.
- Lọc Y: Lọc y thực hiện chức năng ngăn chặn và loại bỏ các tạp chất, các cặn bẩn lẫn trong lưu chất, ngăn chặn các lưu chất đi vào hệ thống, gây ảnh hưởng đến các thiết bị khác trong hệ thống.
Giá đỡ, móc treo
Giá đỡ và móc treo các loại được sử dụng để hỗ trợ hệ thống đường ống, ngăn chặn sự ảnh hưởng từ trọng lực, trọng lượng của đường ống và các rung động, ứng suất của dòng chảy gây ra tình trạng ống bị võng gây biến dạng ống, ảnh hưởng đến kết cấu hoặc rò rỉ. Có nhiều loại giá đỡ khác nhau, có thể ở dạng kẹp, dạng giá đỡ hoặc dạng dầm. Lựa chọn giữa các loại giá đỡ, kích thước và bố trí cần phải được thiết kế để mang trọng lượng của cả đường ống, van, phụ kiện và lớp cách nhiệt.
Vật liệu cách nhiệt, lớp phủ
Tại các hệ thống đường ống mà nhiệt độ của lưu chất đóng vai trò quan trọng, sự sụt giảm nhiệt độ hoặc tăng nhiệt độ sẽ ảnh hưởng đến quy trình sản xuất hoặc các quy trình liên quan. Để giảm tình trạng thoát nhiệt, truyền nhiệt lưu chất ra môi trường bên ngoài, đường ống thường được phủ một lớp cách nhiệt.
Lớp cách nhiệt này giúp cách ly nhiệt độ trong đường ống với nhiệt độ môi trường bên ngoài, duy trì nhiệt độ của lưu chất trong hệ thống đường ống và ngăn chặn sự tỏa nhiệt ra môi trường. Bên cạnh đó, lớp cách nhiệt cũng bảo vệ các nhân viên khi tiếp xúc với bề mặt ống, tránh gây thương tích, bỏng lạnh hoặc bỏng nóng do sự truyền nhiệt.
Lớp cách nhiệt có thể được cấu thành từ nhiều loại vật liệu khác nhau, một số loại vật liệu phổ biến thường được sử dụng để cách nhiệt đường ống đó là:
- Amiang: Vật liệu Amiang cách nhiệt tốt, chịu nhiệt tốt, có thể chịu nhiệt lên đến 650 độ C. Tuy nhiên, cân nhắc về tính an toàn khi sử dụng vật liệu amiang trong cách nhiệt, vật liệu amiang được xác định là vật liệu nguy hiểm, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người.
- Canxi Silicat: Vật liệu canxi silicat là vật liệu bảo ôn cứng, cấu trúc chính từ silica và vôi, cách nhiệt tốt, chịu nhiệt tốt, khả năng chịu nhiệt lên đến 650 độ C. Vật liệu này an toàn, không độc, không bụi, chống cháy và độ bền cao.
- Cellular Glass: Callular Glass hay bọt thủy tinh, foam thủy tinh, là thủy tinh được nấu chảy và tạo bọt, sau đó tạo hình thành ống phủ bề mặt ngoài ống. Bọt thủy tinh cách nhiệt và chịu nhiệt cũng rất tốt, có thể chịu nhiệt lên đến 430 độ C.
- Magnesia (85%): Là một loại khoáng vật và trộn theo tỉ lệ với amiang. Vật liệu này có khả năng chịu nhiệt độ lên đến 315 độ C.
- Sợi thủy tinh: Sợi thủy tinh là thủy tinh được xử lý thành dạng hình sợi, sợi thủy tinh cho phép cách nhiệt tốt, khả năng chịu nhiệt là 190 độ C.
- Bọt nhựa: Là nhựa được xử lý và tạo bọt, loại vật liệu này cho phép chịu nhiệt độ thấp rất tốt, khả năng chịu nhiệt từ -170 độ C đến 120 độ C.
Các yếu tố ảnh hưởng đến thiết kế hệ thống đường ống
Trong thiết kế hệ thống đường ống, có nhiều yếu tố quan trọng cần phải cân nhắc để đảm bảo thiết kế hệ thống chính xác, hiệu quả và an toàn. Một số yếu tố quan trọng cần phải cân nhắc đó là:
Đặc điểm của lưu chất xử lý
Xác định được loại lưu chất mà hệ thống đường ống cần phải xử lý, vận chuyển là gì? Đặc tính về nhiệt độ, áp suất, độ nhớt, mật độ, tính ăn mòn ảnh hưởng đến quá trình lựa chọn vật liệu, xác định kích thước của ống, van, phụ kiện và thiết kế tổng thể của hệ thống.
Kích thước
Kích thước là thông số quan trọng cần phải xác định trong quá trình thiết kế, xây dựng hệ thống đường ống. Xác định kích thước chính xác, đảm bảo lưu lượng, áp suất, tốc độ dòng chảy theo yêu cầu. Hãy quan tâm đến thông số kích thước của van, ống và phụ kiện, tính toán kỹ thuật kỹ trước khi lựa chọn.
Vật liệu
Lựa chọn vật liệu phù hợp với các đặc điểm của lưu chất xử lý và môi trường. Cân nhắc về nhiệt độ, áp suất và tính ăn mòn của lưu chất làm việc để lựa chọn vật liệu cấu trúc van, ống và phụ kiện phù hợp. Cũng như cần phải cân nhắc các yêu cầu, tiêu chuẩn và quy định của từng ngành để lựa chọn vật liệu phù hợp.
Tiêu chuẩn
Tuân thủ các tiêu chuẩn và quy định để đảm bảo thiết kế hệ thống đường ống chính xác, hiệu quả cũng như đảm bảo an toàn cho hệ thống, bảo vệ an toàn của nhân viên, môi trường.
Kích thước đường ống
Kích thước đường ống là thông số quan trọng cần phải cân nhắc trong quá trình thiết kế hệ thống đường ống. Kích thước đường ống được nhắc đến bao gồm nhiều thông số, quy định kích thước và khả năng khác nhau. Một số thông số kích thước đường ống tiêu chuẩn đó là:
- Kích thước ống danh định: Kích thước ống danh định được xác định là NPS hoặc DN. NPS (Nominal Pipe Size) là kích thước ống danh định theo tiêu chuẩn của Bắc Mỹ được đo bằng inch, DN (Diamètre Nominal) là kích thước ống danh định theo tiêu chuẩn của Châu Âu được đo bằng mm.
- Đường kính ngoài (OD): Thể hiện đường kính ngoài của đường ống, đường kính ngoài của ống không thay đổi.
- Đường kính trong (ID): Thể hiện đường kính trong của đường ống, đường kính trong thay đổi theo độ dày của thành ống, vật liệu ống.
- Độ dày thành ống (SCH): Độ dày thành ống được thể hiện bằng SCH, các chỉ số SCH thể hiện độ dày thành ống cụ thể của từng kích thước ống theo tiêu chuẩn chính xác. Độ dày đường ống ảnh hưởng đến khả năng chịu áp của ống.
- Chiều dài ống: Chiều dài ống được tính theo m, chiều dài ống sản xuất tiêu chuẩn là 6m.
Quy định và tiêu chuẩn về đường ống
Trong quá trình thiết kế và xây dựng hệ thống đường ống, có một số quy tắc, quy định và tiêu chuẩn liên quan cần phải bắt buộc tuân thủ để đảm bảo tính an toàn, chính xác, hiệu quả và được phép đưa vào hoạt động. Một số tổ chức ban hành tiêu chuẩn đường ống:
ASME (American Society of Mechanical Engineers) – Hiệp hội kỹ sư cơ khí Hoa Kỳ:
- ASME B31.1 (Đường ống điện),
- ASME B31.3 (Đường ống xử lý),
- ASME B31.4 (Đường ống hydrocarbon, dầu khí…),
- ASME B31.8 (Đường ống khí),
- ASME B31.12 (đường ống dịch vụ xây dựng),
- ASME B31.12 (đường ống dẫn hydro).
ASTM (American Society for Testing and Materials) – Hiệp hội thử nghiệm và vật liệu Hoa Kỳ:
- Tiêu chuẩn ASTM A252 cho ống thép hàn và ống thép đúc.
- Tiêu chuẩn ASTM A53 cho ống thép mạ kẽm nhúng nóng, ống thép đen hàn và ống thép đen đúc kích thước từ 1/8 – 26 inch.
- Tiêu chuẩn ASTM A106 cho các ống thép carbon nhiệt độ cao.
- Tiêu chuẩn ASTM A234 cho phụ kiện thép carbon rèn, phụ kiện thép hợp kim dạng hàn và dạng đúc.
API (American Petroleum Institute) – Viện dầu khí Hoa Kỳ:
- Tiêu chuẩn API 5L cho ống thép sử dụng trong ngành dầu mỏ và khí đốt tự nhiên.
- Tiêu chuẩn API 6D chỉ định các yêu cầu đối với sử dụng đường ống.
ANSI (American National Standards Institute) – Viện tiêu chuẩn quốc gia Hoa Kỳ:
- ANSI B16.5 liên quan đến mặt bích và phụ kiện có mặt bích
- ANSI B16.9 liên quan đến phụ kiện nối hàn đối đầu.
- ANSI B16.11 liên quan đến phụ kiện ren.
ISO (International Organization for Standardization) – Tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế:
- ISO 15649 quy định liên quan đến đường ống sử dụng trong ngành công nghiệp dầu mỏ và khí đốt.
- ISO 4427 quy định hệ thống ống nhựa sử dụng trong cấp nước, thoát nước thải, xử lý nước thải.
EN (European Norm) – Tiêu chuẩn Châu Âu:
- EN 13480 tiêu chuẩn đường ống công nghiệp kim loại của Châu Âu.
Ứng dụng của hệ thống đường ống
Hệ thống đường ống là một phần không thể thiếu trong nhiều ngành công nghiệp cũng như trong dân dụng. Một hệ thống sản xuất, nhà máy sản xuất hay đơn giản là vận chuyển nước không thể thực hiện được nếu thiếu hệ thống đường ống. Hệ thống đường ống thực hiện chức năng vận chuyển các loại lưu chất lỏng, nước, khí, dầu, hơi…Mỗi quy trình, ứng dụng sẽ có sự khác biệt trong thiết kế, nhìn chung có thể thấy hệ thống ống có mặt ở khắp mọi nơi, một số ứng dụng tiêu biểu của đường ống đó là:
Ngành công nghiệp dầu khí
Trong ngành công nghiệp dầu khí, đường ống có mặt ở mọi quy trình, chúng được sử dụng để vận chuyển các loại dầu thô, khí đốt, hóa chất, thành phẩm. Sử dụng trong quá trình khai thác, xử lý và lưu trữ, phân phối. Tại ứng dụng công nghiệp dầu khí thường liên quan đến chất ăn mòn, khoảng cách lớn, lắp đặt ngoài khơi nên yêu cầu vật liệu sử dụng phải chống ăn mòn, chống gỉ sét, chịu nhiệt tốt, cách nhiệt tốt và tương thích tốt với điều kiện môi trường khắc nghiệt.
Ngành công nghiệp hóa chất
Trong ngành công nghiệp hóa chất, tại các nhà máy xử lý hóa chất, hệ thống đường ống có vai trò quan trọng tại các quy trình xử lý, vận chuyển các loại hóa chất, dung môi và các khí liên quan. Tại hệ thống hóa chất, yêu cầu quan trọng là khả năng tương thích với hóa chất, chống ăn mòn, kháng hóa chất, chịu áp và chịu nhiệt.
Hệ thống xử lý nước, cấp thoát nước
Hệ thống đường ống vận chuyển, thu gom nước thải đến quy trình xử lý và đường ống dẫn nước đã xử lý thoát.
Công nghiệp dược phẩm, thực phẩm
Vận chuyển các nguyên liệu, vật liệu đến quy trình sản xuất và thành phẩm. Trong công nghiệp dược phẩm, thực phẩm, hệ thống đường ống phải đảm bảo đáp ứng các tiêu chuẩn liên quan đến an toàn, vệ sinh. Tại các hệ thống này, vật liệu inox vi sinh được sử dụng phổ biến nhất.
Hệ thống HVAC
Hệ thống HVAC hay hệ thống sưởi ấm, thông gió và điều hòa không khí thường được thiết kế tại các tòa nhà thương mại, chung cư…Hệ thống ống được sử dụng để phân phối nước, hơi nước, chất làm lạnh, làm mát…
Công nghiệp hàng hải
Trong các tàu thuyền, giàn khoan, hệ thống được sử dụng với nhiều mục đích khác nhau, sử dụng trong cung cấp nhiên liệu, hệ thống dằn, bilge hay xử lý hàng hóa.
Hệ thống phòng cháy chữa cháy
Tại các tòa nhà thương mại, chung cư, nhà máy, hệ thống đường ống được sử dụng để vận chuyển nước và các chất chữa cháy phục vụ mục đích chữa cháy. Tại các hệ thống này, yêu cầu độ bền, khả năng tương thích cũng như khả năng chống cháy là vô cùng quan trọng.
Hướng dẫn lắp đặt hệ thống đường ống
Thiết kế và lắp đặt hệ thống đường ống là một quy trình vô cùng phức tạp, bao gồm nhiều công đoạn và quy trình liên quan đến việc lập kế hoạch, thiết kế, xây dựng và lắp đặt. Mỗi quy trình đều có vai trò quan trọng cần phải hiểu rõ và nắm rõ kỹ thuật để đảm bảo toàn bộ quá trình diễn ra chính xác đảm bảo an toàn, hiệu quả và tuân thủ tiêu chuẩn. Quy trình thiết kế và xây dựng hệ thống đường ống sẽ có sự khác biệt tùy thuộc vào ứng dụng cụ thể. Tuy nhiên, có một số bước lắp đặt cơ bản cần phải tuân theo đó là:
- Lập kế hoạch, thiết kế: Lên kế hoạch, xác định yêu cầu, đặc điểm cơ bản để thiết kế hệ thống, xây dựng các bản vẽ kỹ thuật, tài liệu thiết kế bao gồm P&ID, bản vẽ đẳng cự và các tài liệu thông số kỹ thuật liên quan.
- Mua sắm: Lên kế hoạch đặt hàng các thiết bị, van, phụ kiện và đường ống theo yêu cầu. Lên kế hoạch chi phí cũng như thời gian cẩn thận khi đặt hàng, xem xét, đảm bảo đặt đúng thông số, kích thước, vật liệu các thiết bị, van, phụ kiện, đường ống.
- Chuẩn bị: Cắt ống, hàn ống và lắp ráp sẵn các phần của hệ thống ở bên ngoài công trường để giảm thiểu thời gian hàn và lắp đặt tại chỗ.
- Cài đặt: Tiến hành định vị, căn chỉnh đường ống cũng như các thiết bị chính xác theo sơ đồ, bản vẽ kỹ thuật. Sau đó tiến hành hàn và lắp ráp đường ống với các phụ kiện nối, neo và đỡ đường ống bằng các giá đỡ cuối cùng lắp đặt các van và thiết bị lên hệ thống.
- Kiểm tra: Kiểm tra và thử nghiệm áp suất, tìm kiếm các lỗi liên quan đến kết nối, lỗi bề mặt, khuyết tật…
- Cách nhiệt và hoàn thiện: Sau khi đã tiến hành lắp đặt và kiểm tra xong cần thực hiện cách nhiệt nếu cần và các bước hoàn thiện, sơn phủ để bảo vệ đường ống, đảm bảo chất lượng của đường ống, hạn chế ảnh hưởng của môi trường đến đường ống.
- Bàn giao: Cập nhật lại bản vẽ hệ thống và bàn giao.
- Vận hành: Chạy thử hệ thống, kiểm tra chức năng và hoạt động của từng thiết bị trong hệ thống và có thể đưa vào vận hành.
Kết luận: Hệ thống đường ống đóng vai trò vô cùng quan trọng trong nhiều ngành công nghiệp khác nhau. Một hệ thống đường ống bao gồm nhiều thành phần như ống, van, phụ kiện, giá đỡ, móc treo và lớp cách nhiệt. Trong quá trình thiết kế và xây dựng để đảm bảo độ chính xác, hiệu quả cũng như tối ưu kinh tế, hãy cân nhắc và xem xét kĩ các thông số đặc điểm lưu chất, kích thước, nhiệt độ, áp suất, tiêu chuẩn…
Điều quan trọng là tại mỗi ứng dụng, mỗi hệ thống sẽ có đặc điểm và quy định khác nhau vì vậy, hãy hiểu rõ quy trình và nắm vững kĩ thuật trước khi tiến hành bất kì một công việc nào.
Xem thêm: Tổng quan về ống thép không gỉ