Bảo trì, kiểm tra định kỳ van giảm áp
Van giảm áp là thiết bị giúp điều chỉnh và duy trì áp suất của dòng chảy lưu chất trong hệ thống ống ở mức ổn định đã được quy định trước. Để duy trì chức năng, cần phải thực hiện một số nhiệm vụ bảo trì, kiểm tra định kỳ van giảm áp, giúp kéo dài tuổi thọ của van, đảm bảo van hoạt động trơn tru và còn giúp phát hiện kịp thời các lỗi, nguy cơ tiềm ẩn trên van.
Tìm hiểu và tham khảo về tầm quan trọng, các quy trình cần thiết, danh sách cần kiểm tra và một số lưu ý khi bảo trì, kiểm tra định kỳ van giảm áp qua bài viết dưới đây.
Bảo trì, kiểm tra định kỳ van giảm áp là gì?
- Bảo trì, kiểm tra định kỳ van giảm áp là các công việc bảo dưỡng, kiểm tra, sửa chữa và thay thế van giảm áp được lên lịch và thực hiện định kỳ theo một thời gian quy định từ trước. Thời gian bảo trì, kiểm tra van định kỳ thường không xác định cụ thể, tùy thuộc vào từng ứng dụng, đặc điểm, đặc tính của ứng dụng và tần suất sử dụng của van…
- Bảo trì, kiểm tra định kỳ van giảm áp bao gồm một số quy trình như kiểm tra và làm sạch, bôi trơn, điều chỉnh, hiệu chuẩn, thay thế linh kiện…
- Bảo trì và kiểm tra định kỳ là một quy trình không thể thiếu trong quá trình sử dụng và vận hành van giảm áp để đảm bảo hiệu quả hoạt động và chất lượng của van. Hãy đảm bảo rằng quy trình bảo trì, kiểm tra định kỳ diễn ra chính xác.
Tầm quan trọng của việc bảo trì, kiểm tra định kỳ van giảm áp
- Bảo trì và kiểm tra định kỳ van giảm áp là điều cần thiết để đảm bảo các van này hoạt động chính xác và đảm bảo chất lượng, độ bền, tuổi thọ.
- Bảo trì thường xuyên, định kỳ giúp phát hiện các lỗi kịp thời, tránh thời gian ngừng hoạt động hệ thống quá dài, ngăn chặn tổn thất sản xuất và các mối nguy hiểm về an toàn.
- Van được bảo trì thường xuyên cũng giúp cải thiện hiệu quả và hiệu suất của toàn bộ hệ thống.
Quy trình bảo trì, kiểm tra định kỳ van giảm áp
- Kiểm tra và làm sạch: Thường xuyên kiểm tra trực quan tình trạng của van, kịp thời phát hiện các dấu hiệu van bị nứt vỡ, rò rỉ hoặc bất kì hư hỏng nào khác. Bên cạnh đó, làm sạch van và các chi tiết khác của van để loại bỏ và ngăn chặn sự tích tụ của các tạp chất, bụi bẩn, rác… cản trở chức năng của van.
- Bôi trơn: Các bộ phận chuyển động trong van sau thời gian dài sử dụng có thể bị khô gây kẹt và ảnh hưởng đến hoạt động điều khiển của van. Cần thực hiện bôi trơn các chi tiết chuyển động này để đảm bảo hoạt động của van giảm áp trơn tru. Sử dụng chất bôi trơn theo khuyến nghị của nhà sản xuất.
- Điều chỉnh áp suất: Nên theo dõi áp suất điều chỉnh của van và điều chỉnh khi cần thiết.
- Thay thế linh kiện: Kiểm tra các chi tiết trong van, phát hiện các bộ phận bị lỗi cần tiến hành thay thế.
Danh sách cần kiểm tra khi bảo trì van giảm áp
Tùy vào từng loại van, cấu trúc sẽ có sự khác nhau. Về cơ bản, các van giảm áp cần phải thực hiện việc kiểm tra các chi tiết sau:
Đối với các van giảm áp nước, van giảm áp gián tiếp, danh sách cần phải kiểm tra đó là:
- Hệ thống van điều khiển ( van phụ): Van giảm áp gián tiếp thực hiện điều chỉnh giảm áp dựa vào một hệ thống van phụ (van giảm áp trực tiếp). Việc các van này bị lỗi, hỏng, rò rỉ, nứt vỡ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc điều chỉnh áp của van chính.Thiết kế của hệ thống van phụ này bao gồm van giảm áp trực tiếp, các ống đồng và van điều khiển…Các chi tiết này nhỏ và dễ bị hư hại, móp méo khi bị va đập và tác động ngoại lực bên ngoài. Nên, mỗi khi kiểm tra, bạn hãy kiểm tra thật kỹ các chi tiết này, kiểm tra xem kết nối của chúng có kín không, có bất kỳ vết nứt vỡ, ăn mòn, mài mòn nào không. Hãy kiểm tra kỹ và đảm bảo chúng hoạt động tốt, trạng thái tốt. Kiểm tra và khắc phục mọi vấn đề tiềm ẩn mà bạn thấy.
- Không khí trong hệ thống van điều khiển: Không giống như lưu chất nước, không khí có thể nén và tồn tại trong hệ thống van phụ. Các khí này có thể ảnh hưởng đến hoạt động của van phụ, nên việc loại bỏ không khí trong hệ thống van điều khiển này là cần thiết. Khi kiểm tra, bảo trì hãy loại bỏ khí dư này. Thông thường các van giảm áp gián tiếp sẽ thiết kế van xả khí hoặc nút bịt cho phép loại bỏ khí này.
- Bộ lọc: Chi tiết bộ lọc bị bẩn có thể gây ảnh hưởng đến hoạt động của van, gây tắc nghẽn nguồn cung cấp nước cho phần nắp capo van chính. Khi nước cấp cho capo bị cản trở, van chính sẽ gặp nhiều khó khăn khi đóng hoặc thậm chí có thể không đóng. Hầu hết các bộ lọc được thiết kế phần nắp bịt có thể dễ dàng xả và loại bỏ bụi bẩn, tạp chất mà không cần phải tháo hoàn toàn bộ lọc ra. Bạn cũng có thể tối ưu hóa việc vệ sinh bằng cách tháo phần nắp bịt của bộ lọc và thay thế bằng một van bi để quy trình làm sạch càng dễ dàng hơn.
- Phụ kiện, đầu nối: Việc bộ lọc sạch cũng chưa chắc chắn được rằng các chi tiết nối khác trong van sạch. Các phụ kiện, đầu nối hoàn toàn có thể bị tắc nghẽn, có thể do nhiều nguyên nhân, thường là do chất lượng nước của bạn. Hãy kiểm tra sự trơn tru của dòng chảy trong hệ thống, kiểm tra các phụ kiện, đầu nối, nếu nhận thấy sự tắc nghẽn hãy vệ sinh làm sạch, nếu không thể khắc phục được hãy thay thế cái mới.
- Màng van chính: Màng ngăn ít khi bị lỗi nếu không có các ảnh hưởng từ bên ngoài như tạp chất, bụi bẩn hoặc các tác nhân ngoại lực khác. Thông thường, các màng này chỉ bị ăn mòn theo thời gian hoặc khoáng chất tích tụ. Tuy nhiên, hãy kiểm tra tình trạng màng van chính để đảm bảo rằng chúng vẫn hoạt động đúng cách. Có thể kiểm tra tình trạng màng mà không cần tháo rời đơn giản như sau: Hãy ngắt van cấp nước vào nắp van chính, loại bỏ phần nước còn trong phần nắp bằng cách mở van xả trên nắp, van chính sẽ mở, xả tất cả nước trong nắp capo, khi van mở rộng, nước sẽ ngừng chảy, nếu nước tiếp tục chảy ngay cả khi van mở, đó là dấu hiệu cho thấy màng van bị rò rỉ. Lúc này đây, cần tháo rời van để kiểm tra lại màng.
- Màng van phụ: Nếu có nước rò rỉ tại vị trí vít điều chỉnh, lỗ thông hơi của van phụ, có nghĩa là màng van của van phụ này đang có vấn đề. Bạn cần phải tháo rời, kiểm tra và xem xét thay thế.
- Van bi: Van bi thực hiện chức năng điều khiển cấp nước cho van phụ và nắp capo, kiểm tra xem van bi có hoạt động đúng cách không và thay thế kịp thời. Hãy đảm bảo rằng chúng luôn sẵn sàng cho việc điều khiển đóng hoặc mở mọi lúc.
Đối với van giảm áp trực tiếp:
Cấu trúc của van giảm áp trực tiếp đơn giản hơn nhiều so với van gián tiếp, nên danh sách các chi tiết cần kiểm tra cũng ít hơn nhiều so với van gián tiếp:
- Kiểm tra kết nối của van: Kiểm tra tại điểm kết nối của van liệu có đảm bảo độ kín, hãy chắc chắn không có bất kì sự rò rỉ nào tại vị trí kết nối của van với đường ống. Việc kết nối có đảm bảo độ kín không hoàn toàn có thể kiểm tra dễ dàng bằng mắt thường.
- Kiểm tra tình trạng của đệm đĩa, gioăng làm kín: Các chi tiết đệm đĩa có thể là bộ phận dễ bị hỏng và mài mòn nhất trong van, do vật liệu và dòng chảy qua van có thể khiến chúng bị mòn. Đệm đĩa không chính xác có thể khiến cho van không đóng kín gây rò rỉ. Nên việc kiểm tra tình trạng các đệm đĩa, gioăng làm kín là vô cùng quan trọng.
- Độ nén của lò xo: Đối với van giảm áp trực tiếp, lò xo sẽ thực hiện điều chỉnh trực tiếp áp suất của van nên chất lượng của lò xo sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng giảm áp của van. Khi kiểm tra lò xo cần kiểm tra trạng thái của chúng, đảm bảo chúng không có bất kì bất thường nào như nứt vỡ, biến dạng, ăn mòn, mài mòn, đảm bảo độ nén của lò xo vẫn chính xác, không thay đổi so với ban đầu. Có thể kiểm tra bằng trực quan, tháo rời để kiểm tra tình trạng lò xo. Tuy nhiên, có thể thực hiện đơn giản hơn bằng cách xoay phần vít điều chỉnh theo các hướng và theo dõi sự thay đổi của áp suất đầu ra. Nếu cảm thấy không có sự thay đổi nhiều hoặc thay đổi bất thường khi xoay vít, lúc này có thể đặt vấn đề rằng lò xo có lỗi.
Một số lưu ý trong quá trình bảo trì, kiểm tra định kỳ van giảm áp
Bảo trì, kiểm tra định kỳ van giảm áp đúng cách sẽ đảm bảo van hoạt động trơn tru, kéo dài tuổi thọ van. Tuy nhiên, việc bảo trì, kiểm tra định kỳ van giảm áp sai cách có thể gây phản tác dụng, ảnh hưởng đến chất lượng van, khiến van hỏng hóc, hoạt động sai cách. Nên quá trình này có một số lưu ý đó là:
- Lên lịch trình cụ thể, cân nhắc theo đặc điểm, đặc tính của hệ thống để đưa ra lịch trình phù hợp nhất.
- Đảm bảo thực hiện đúng kỹ thuật, đọc kỹ hướng dẫn nhà sản xuất cung cấp trước khi tiến hành bất kỳ một công việc nào.
- Chuẩn bị đầy đủ các dụng cụ, thiết bị phù hợp và tương thích cho các quy trình, để chắc chắn rằng công việc diễn ra thuận lợi, chính xác và an toàn.
- Chuẩn bị đầy đủ đồ bảo hộ, đặt an toàn của con người lên hàng đầu.
Kết luận: Bảo trì, kiểm tra định kỳ van giảm áp là không thể thiếu trong quá trình sử dụng và vận hành để đảm bảo chất lượng, tuổi thọ, độ bền của van cũng như của hệ thống. Bảo trì và kiểm tra bao gồm nhiều quy trình như kiểm tra và làm sạch, bôi trơn, điều chỉnh và hiệu chuẩn, thay thế.
Các công việc cần phải thực hiện đối với từng loại van giảm áp là khác nhau, hãy lưu ý trong quá trình thực hiện. Điều quan trọng nhất là việc bảo trì, kiểm tra định kỳ van giảm áp cần phải được thực hiện đúng cách, chính xác và đúng kỹ thuật đảm bảo an toàn cho hệ thống và con người.