Các van tích hợp cùng bẫy hơi

Một hệ thống hơi sẽ có nhiều thiết bị khác nhau, khi lắp đặt bẫy hơi, để đảm bảo hoạt động bẫy đáng tin cậy, cần phải có một số thiết bị tích hợp cùng bẫy. Bài viết dưới đây sẽ giới thiệu các van, thiết bị cần phải có khi lắp đặt bẫy hơi.

Tầm quan trọng của các van tích hợp cùng bẫy hơi

Bẫy hơi có thể chỉ đứng một mình, tuy nhiên, để bảo vệ hoạt động, bảo vệ chất lượng và thuận tiện cho các quy trình khác như bảo dưỡng, bảo trì, các bẫy hơi thường được lắp đặt cùng một số loại van khác, thực hiện các chức năng khác nhau. Một số chức năng cơ bản đó là:

  • Chức năng đóng ngắt: Các van này được lắp đặt trước hoặc sau bẫy hơi, phục vụ mục đích là đóng ngắt dòng chảy hoặc lưu thông dòng chảy. Cho phép nhánh bẫy hơi hoạt động hoặc không hoạt động, tùy thuộc vào yêu cầu của hệ thống. Và chức năng đóng ngắt này cũng cần thiết phục vụ cho nhu cầu bảo dưỡng, bảo trì, thay thế, sửa chữa bẫy.
  • Chức năng ngăn chặn dòng chảy ngược: Các van 1 chiều thường được lắp đặt sau bẫy, chúng thực hiện chức năng ngăn chặn dòng chảy ngược từ đường xả chảy ngược về bẫy, việc lưu chất chảy ngược về bẫy gây ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động của bẫy và còn có thể gây hỏng bẫy.
  • Chức năng làm sạch: Bộ lọc được lắp đặt trước bẫy hơi, cho phép loại bỏ các tạp chất, cặn bẩn đi vào trong bẫy, điều này giúp loại bỏ các mối nguy hại do tạp chất gây ra, ảnh hưởng đến các chi tiết nhạy cảm trong bẫy, khiến bẫy hoạt động không chính xác hoặc thậm chí là hỏng hóc.
Một số chức năng van
Một số chức năng van

Các van tích hợp cùng bẫy hơi

Van đóng ngắt:

Van đóng ngắt khi được cài đặt cùng bẫy hơi chúng thường được lắp đặt trước và sau bẫy hơi. Chúng được lắp đặt trước bẫy hơi phục vụ mục đích bảo trì, bảo dưỡng bẫy hoặc mục đích ngắt khẩn cấp khi cần thiết. Van đóng ngắt cũng được lắp sau bẫy tại đường xả, chúng rất cần thiết, đặc biệt là khi bẫy có đường nhánh.

Một số van đóng ngắt được sử dụng rộng rãi trong lắp đặt tại các hệ thống hơi như van bi, van bướm, van cầu, van cổng, van màng…

  • Van bi: Van bi được sử dụng rộng rãi trong các hệ thống hơi nhờ khả năng điều khiển rất đáng tin cậy và chính xác, chịu nhiệt cao, thích hợp với hệ thống hơi, chúng được sử dụng với chức năng điều khiển đóng hoàn toàn, hoặc mở hoàn toàn. Không được sử dụng để điều tiết lưu lượng. Van bi có đa dạng nhiều mã, nhiều loại vật liệu, thiết kế khác nhau, cho phép tương thích với hệ thống của bạn.
  • Van bướm: Van bướm cũng là 1 van điều khiển đóng ngắt, chuyển động đóng mở tương tự như van bi. Tuy nhiên, với cấu trúc phần gioăng đệm khá đặc biệt, có thể chúng sẽ hạn chế trong việc ứng dụng với nhiệt độ cao và với một số loại chất lỏng nhất định.
  • Van cầu: Van cầu phù hợp với nhiều ứng dụng khác nhau, từ điều khiển tốc độ dòng chảy đến hoạt động đóng mở. Đặc biệt, van này có cấu trúc rất phù hợp với các hệ thống hơi nhiệt độ cao, chất lỏng nhiệt độ cao. Tuy nhiên, cần phải cân nhắc về thời gian đóng mở của van, van này đóng chậm hơn, thời gian đóng mở lâu hơn.
  • Van cổng: Van cổng cũng thường được sử dụng tại hệ thống hơi. Van cổng cũng chỉ thực hiện các chức năng đóng ngắt, không nên sử dụng để điều khiển như van bi nhưng thời gian điều khiển của van cổng lâu hơn bởi việc điều khiển tay xoay phải được thực hiện nhiều lần.
Một số loại van đóng ngắt
Một số loại van đóng ngắt

Van một chiều

  • Van một chiều được sử dụng để ngăn chặn dòng chảy ngược, chỉ cho phép lưu chất chảy theo một hướng. Các van này được lắp đặt tại nhiều vị trí khác nhau trong hệ thống hơi, thường được lắp đặt tại phía đầu ra của bẫy hơi.
  • Van một chiều ngăn chặn dòng chảy ngược, ngăn chặn nước ngưng từ đường xả chảy ngược về bẫy, dòng chảy ngược có thể làm giảm hiệu quả và còn có thể làm hỏng bẫy hơi.
  • Việc lắp đặt van 1 chiều cũng giúp ngăn chặn tình trạng búa nước, búa nước thường gây ra do xung dòng chảy do thiết kế ống xả đứng, bẫy hơi xả không liên tục hoặc do dòng chảy xung của nước ngưng nhiệt độ thấp trong đường ống.
Một số loại van 1 chiều
Một số loại van 1 chiều

Van bypass

  • Tại các hệ thống hơi, người ta thường lắp đặt thêm các ống nhánh bypass, các van tại các ống nhánh này được gọi là van bypass. Đường ống bypass này hoạt động như một đường dự phòng cho phép hệ thống vẫn hoạt động bình thường khi các thiết bị tại nhánh chính bị hỏng. Đường ống bypass còn giúp bổ sung hiệu suất của bẫy.
  • Với các yêu cầu khác nhau, các van với cấu trúc và hoạt động khác nhau sẽ được ứng dụng. Ví dụ, với chức năng đường ống bypass được sử dụng để làm đường dự phòng, khi đó, các van này sẽ thực hiện thay thế chức năng của một bẫy hơi, vì vậy điều quan trọng là chúng phải có khả năng kiểm soát chất lỏng. Nên, tại ứng dụng này, các van cầu thường được lựa chọn.
  • Với chức năng đường ống bổ sung hiệu suất, để xử lý áp suất và lưu lượng quá mức, van thường giữ ở vị trí mở hoàn toàn và yêu cầu thời gian đóng mở nhanh. Nên tại các ứng dụng này, các van bi sẽ là lựa chọn phù hợp.

Bộ lọc

  • Một số loại bẫy hơi có thể sẽ nhạy cảm với tạp chất, bụi bẩn, nên hãy đảm bảo lưu chất vào bẫy sạch, tinh khiết để đảm bảo hiệu quả hoạt động, chất lượng và tuổi thọ bẫy. Có thể lựa chọn các loại lọc khác nhau như lọc Y, lọc T… Hiện nay lọc Y vẫn được ưa chuộng hơn cả.
  • Một số bẫy hơi được tích hợp sẵn bộ lọc, cho phép tối ưu thiết kế hệ thống.
Lọc y
Lọc y

Lựa chọn các van tích hợp cùng bẫy hơi

Việc lựa chọn các van tích hợp cùng bẫy hơi có thể là bắt buộc hoặc không bắt buộc. Điều này còn tùy thuộc vào yêu cầu và nhu cầu của hệ thống. Để tối giản thiết kế hệ thống, có một số van thường bị loại bỏ khỏi hệ thống khi không cần thiết.

  • Các van đóng ngắt là một thiết bị vô cùng quan trọng, chúng là một thiết bị không thể thiếu, vì vậy, trước bẫy hơi và sau bẫy hơi cần có ít nhất một van đóng ngắt.
  • Đối với các van 1 chiều được lắp tại đầu xả của bẫy, nếu thiết kế đầu xả này thấp hơn bẫy hoặc tình trạng dòng chảy ngược chiều không có nguy cơ xảy ra, việc loại bỏ các van 1 chiều này là có thể.
  • Đối với các lọc y, nếu bẫy hơi là loại đã được tích hợp sẵn bộ lọc hoặc hệ thống có độ tinh khiết cao, nguy cơ có tạp chất, chất bẩn đi vào bẫy rất thấp thì có thể không cần lắp đặt lọc y.

Điều quan trọng là thiết kế của hệ thống như nào, tùy vào từng hệ thống khác nhau, vị trí khác nhau, thiết kế ống khác nhau, chức năng khác nhau sẽ yêu cầu các thiết bị khác nhau. Nên việc lựa chọn các van nào, thiết bị nào cần cân nhắc vào yêu cầu và nhu cầu của hệ thống. Hãy tham khảo các tài liệu kỹ thuật, trao đổi với các chuyên gia để đưa ra lựa chọn phù hợp nhất.

Thiết kế hệ thống bẫy hơi cơ bản
Thiết kế hệ thống bẫy hơi cơ bản

Kết luận: Bẫy hơi là một thiết bị được sử dụng để loại bỏ nước ngưng và các khí không ngưng, khi lắp đặt và sử dụng chúng trên hệ thống, chúng không thường đứng một mình, chúng thường được lắp đặt cùng một số loại van đóng ngắt, van 1 chiều, van bypass, bộ lọc….

Tuy nhiên, các van này đều nhằm mục đích hỗ trợ hoạt động của bẫy hơi, bảo vệ bẫy hơi, đảm bảo hiệu suất hoạt động của bẫy hơi. Việc lựa chọn các van tích hợp cùng bẫy hơi còn tùy thuộc vào thiết kế của từng hệ thống, hãy cân nhắc kỹ trước khi đưa ra quyết định.

Xem thêm: Định hướng cài đặt bẫy hơi 

Rate this post
Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

phone-icon zalo-icon