Áp suất mở của van 1 chiều

Van 1 chiều là van ngăn chặn dòng chảy ngược, chỉ cho phép dòng chảy lưu chất trong hệ thống ống chảy theo một hướng. Là loại van tự động, điều khiển đóng mở bằng áp suất của dòng chảy và cơ chế hoạt động của chính nó. Vì vậy, áp suất mở của van 1 chiều là một thông số quan trọng cần phải quan tâm để đảm bảo rằng van hoạt động đóng mở chính xác, cho phép lưu thông chính xác và ngăn chặn dòng chảy ngược tối ưu.

Bài viết này tìm hiểu tầm quan trọng của việc hiểu về áp suất mở, các yếu tố ảnh hưởng đến áp suất mở và cách kiểm tra, xác định áp suất mở của van 1 chiều.

Áp suất mở của van 1 chiều là gì?

Áp suất mở của van 1 chiều là mức áp suất đầu vào cần thiết để van có thể mở ra và cho dòng chảy có thể lưu thông qua. Bởi vì van 1 chiều là van ngăn chặn dòng chảy ngược, dòng chảy trong van chỉ có thể chảy theo 1 hướng và van hoạt động tự động, dựa trên áp suất của dòng chảy và các tác động tự động như lò xo để mở nên áp suất mở là thông số rất quan trọng cần quan tâm.

Áp suất mở của van 1 chiều thường được tính bằng psi hoặc psig (pound/inch2), bar, kgf/cm2…

Áp suất mở cũng có thể được hiểu là mức chênh lệch áp suất tối thiểu giữa đầu vào và đầu ra yêu cầu của van để thực hiện mở.

Áp suất mở của van 1 chiều
Áp suất mở của van 1 chiều

Tại sao hiểu áp suất mở của van 1 chiều lại quan trọng

Khi lựa chọn bất kì một van 1 chiều nào cho ứng dụng, hệ thống, việc xác định thông số áp suất mở của van là rất quan trọng. Thông số áp suất mở thể hiện mức áp suất mà van sẽ mở và đảm bảo dòng chảy ổn định. Nên để đảm bảo hệ thống hoạt động chính xác thì việc hiểu và xác định áp suất mở của van 1 chiều chính xác là vô cùng cần thiết.

Yếu tố áp suất mở ảnh hưởng đến quy trình lựa chọn van 1 chiều bởi áp suất mở của từng loại van và từng kích thước van có sự khác biệt. Nên việc hiểu áp suất mở của van 1 chiều cho phép xác định chính xác loại van và kích thước phù hợp với mức áp suất hoạt động của hệ thống.

Áp suất mở không chính xác có nguy hiểm?

Áp suất mở có thể ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng tương thích của van 1 chiều với hệ thống, khả năng hoạt động của van và hiệu suất hoạt động của van. Việc áp suất mở quá cao hoặc quá thấp có thể gây ra một số vấn đề như sau:

  • Quá cao: Áp suất mở quá cao thường gây ra tình trạng tổn thất áp suất lớn hơn qua van một chiều. Nếu mức áp suất mở quá cao trong khi lưu lượng của hệ thống thấp hơn, van có thể không mở hoàn toàn hoặc không mở. Việc van không mở hoàn toàn chính là nguyên nhân gây ra sự sụt áp, giảm áp dòng chảy lưu chất. Và van không mở, dòng lưu chất không lưu thông qua, có thể gây ảnh hưởng đến hoạt động của hệ thống. Bên cạnh đó, việc van không mở hoàn toàn trong suốt quá trình lưu thông, dòng chảy sẽ không ổn định, có thể gây ra tình trạng đĩa đập vào van, dẫn đến van nhanh chóng bị mài mòn.
  • Quá thấp: Áp suất mở quá thấp sẽ làm giảm tốc độ đóng của van, bởi việc áp suất mở giảm đồng nghĩa với việc áp suất ngược tác động lên đĩa (áp suất ngược chiều với áp suất mở) sẽ phải nhỏ hơn, cho nên việc đóng van sẽ diễn ra chậm hơn. Nếu áp suất mở quá tháp, van cũng có thể xảy ra tình trạng không đóng hoàn toàn, tình trạng rò rỉ có thể diễn ra.
Áp suất mở van 1 chiều
Áp suất mở van 1 chiều

Các yếu tố ảnh hưởng đến áp suất mở của van 1 chiều

Áp suất mở của van 1 chiều có thể bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, có thể đến từ các yếu tố vốn có như thiết kế cụ thể, hoặc cũng có thể từ các yếu tố khác phát sinh bên ngoài, như thiết kế van, cấu trúc van, kích thước van, thiết kế hệ thống, hướng lắp đặt hoặc thậm chí là môi trường xung quanh.

  • Thiết kế van: Trên thị trường có nhiều loại van một chiều khác nhau, mỗi thiết kế van sẽ có yêu cầu mức áp suất mở khác nhau. Ví dụ, các van 1 chiều lá lật thường có áp suất mở thấp hơn so với các van 1 chiều cánh bướm, van 1 chiều lò xo.
  • Kích thước van: Một van 1 chiều nhỏ hơn sẽ có áp suất mở nhỏ hơn so với một van lớn hơn ở thiết kế tương tự. Bởi kích thước của van sẽ ảnh hưởng đến kích thước và khối lượng của đĩa điều khiển. Việc đĩa điều khiển lớn hơn đồng nghĩa với việc áp suất cần có tác động vào đĩa để mở cũng phải cao hơn.
  • Vật liệu cấu trúc: Việc một van 1 chiều được cấu trúc bằng vật liệu nhẹ hơn, cụ thể, phần đĩa điều khiển đóng mở cấu trúc bằng vật liệu nhẹ hơn thì áp suất mở sẽ thấp hơn. Ví dụ, các van nhựa thường sẽ có áp suất mở thấp hơn so với các van inox hay gang.
  • Hướng lắp đặt: Đối với các van cho phép lắp đặt ở cả hướng ngang và dọc. Hướng lắp đặt của van cũng có thể ảnh hưởng đến áp suất mở của van. Ví dụ, khi van lắp đặt theo hướng thẳng đứng hướng lên, có nghĩa là van sẽ phải chịu thêm tác động của trọng lực của cột chất lỏng, nên áp suất mở của van lúc này yêu cầu phải cao hơn. Ngược lại khi lắp đặt van theo hướng thẳng đứng hướng xuống thì trọng lực và trọng lượng đĩa sẽ chống lại lực lò xo hoặc các lực khác hỗ trợ đóng. Điều này làm giảm áp suất mở, có thể khiến van mở hoặc không đóng trở lại.
  • Tình trạng của van: Việc van bị mài mòn, ăn mòn, rách đệm làm kín hay các lò xo bị giãn, lực đàn hồi kém đi đều có thể ảnh hưởng đến áp suất mở của van.
Một số loại van 1 chiều
Một số loại van 1 chiều

Kiểm tra áp suất mở của van 1 chiều

Khi bạn không biết được áp suất mở của van 1 chiều là bao nhiêu, tuy nhiên cần phải đảm bảo rằng hệ thống hoạt động chính xác, van mở đối với áp suất tổng thể của dòng chảy lưu lượng trong hệ thống, xác định được chính xác áp suất mở của van 1 chiều là bao nhiêu.

Bạn có thể sử dụng nhiều phương pháp khác nhau, trong đó có phương pháp thử nghiệm áp suất khí đơn giản và dễ ứng dụng nhất. Phương pháp này sử dụng áp suất khí để test và theo dõi sự thay đổi của van:

  • Tại đầu vào của van được gắn với một đường ống khí và đồng hồ đo áp suất.
  • Van 1 chiều sẽ được đặt trong một thùng chứa đầy nước.
  • Áp suất khí được cấp vào được tăng dần và theo dõi hiện tượng trong van, cũng như của đồng hồ áp suất.
  • Khi van mở, dòng khí có thể lưu thông qua, sẽ có luồng bong bóng khí nhỏ thoát ra qua đầu ra của van.
  • Lúc này đây, theo dõi mức áp suất của đồng hồ, mức áp suất này được xác định là áp suất mở của van.

Lưu ý: Đây là phương pháp kiểm tra khá thô sơ, là cách xác định mức áp suất mở tương đối, chúng sẽ không đưa ra kết quả chính xác tuyệt đối.

Test van chìm dưới nước
Test van chìm dưới nước

Kết luận: Áp suất mở của van 1 chiều được hiểu là mức chênh lệch áp suất tối thiểu giữa đầu vào và đầu ra để đảm bảo van có thể hoạt động. Áp suất mở này ảnh hưởng trực tiếp đến việc lựa chọn van và kích thước van, việc lựa chọn một van có áp suất mở quá cao hoặc quá thấp đều có thể ảnh hưởng đến hoạt động và chất lượng của hệ thống.

Áp suất này có sự khác biệt và bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như thiết kế van, kích thước van, vật liệu cấu trúc, hướng lắp đặt và tình trạng của van. Hãy lựa chọn một van có áp suất mở phù hợp với mức áp suất hoạt động của hệ thống để đảm bảo hệ thống hoạt động tối ưu nhất. Nếu bạn không chắc chắn rằng áp suất mở của van 1 chiều là bao nhiêu có thể sử dụng phương pháp test khí để thử nghiệm.

Xem thêm: Mẹo xác định kích thước van 1 chiều

Rate this post
Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

phone-icon zalo-icon